TRUYỀN THÔNG NÂNG CAO NHẬN THỨC BẢO VỆ RỪNG NGẬP MẶN CÀ MAU
Nằm trong khuôn khổ dự án Cánh rừng Netzero Vinamilk, ngày 16-17.11.2023, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp tổ chức 03 buổi truyền thông bảo vệ rừng ngập mặn cho 150 hộ dân thuộc 3 ấp vùng đệm rừng bao gồm ấp Cái Mòi, ấp Rạch Tàu Đông và ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Thông qua chương trình người dân được cung cấp các thông tin hữu ích về giá trị thực tiễn của rừng ngập mặn với đời sống, các quy định của pháp luật về bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên rừng. Nhân dịp này, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng trao tặng cho cán bộ Vườn và người dân hơn 2.400 sản phẩm sữa, nước uống.
Dự án khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 25ha rừng ngập mặn Mũi Cà Mau là một hoạt động nằm trong dự án lớn mang tên “CÁNH RỪNG NET ZERO VINAMILK” với nỗ lực hình thành những mảng xanh để giúp hấp thụ khí carbon, tiến đến mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, góp phần vào mục tiêu chung Net Zero 2050 mà Chính phủ của Việt Nam đã và đang đẩy mạnh.
Hiện nay, hai hoạt động đầu tiên của dự án tại Đất Mũi bao gồm dựng hàng rào khoanh nuôi và hệ thống biển báo đã được hoàn thành thành công với sự tham gia trực tiếp của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên Vinamilk vào tháng 8 vừa qua. Để bảo vệ khu vực khoanh nuôi trước tác động của thời tiết, hoạt động tuần tra giám sát, bảo vệ và tu sửa hàng rào khu vực khoanh nuôi sẽ được thực hiện liên tục trong vòng 6 năm sau bởi lực lượng kiểm lâm chuyên trách.
Bên cạnh đó, tại bãi bồi còn thường xuyên xảy ra hiện trạng người dân xâm nhập vào khu vực khoanh nuôi để bắt cá thòi lòi, cào sò huyết, bắt ba khía,... vì khu vực này là nơi tập trung sinh sản của các loài thủy sản hải. Do đó, việc tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân chung tay bảo vệ khu vực khoanh nuôi và rừng ngập mặn có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo được sự hiệu quả của hoạt động tái sinh rừng ngập mặn. Và đây là một trong 4 hoạt động chính trong dự án Cánh rừng Netzero Vinamilk sẽ được thực hiện trong 2 năm đầu sau khi khoanh nuôi.
Hoạt động truyền thông cộng đồng được thiết kế và điều phối trực tiếp bởi bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Gaia – người đã có trên 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục bảo tồn và triển khai hàng ngàn buổi truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng cho các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn trải dài khắp Việt Nam.
Nội dung chương trình được xây dựng để hoàn thành 3 mục tiêu chính: (1) Nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân về vai trò của rừng ngập mặn trong Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; (2) Nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng ngập mặn, kêu gọi mọi người dân chung tay bảo vệ khu rừng mới; (3) Xây dựng thái độ tích cực của người dân với rừng và sẵn sàng hành động bảo vệ rừng.
Các buổi truyền thông có sự tham gia của cán bộ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau: ông Đỗ Văn Đồng – Phó Giám đốc; ông Nguyễn Văn Sự - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế cùng với các đại diện đến từ Vinamilk. Đối tượng tham gia tập huấn là các hộ gia đình không có đất sản xuất, cuộc sống phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, có khoảng 150 hộ dân tham dự tại các Trụ sở của các ấp: Cái Mòi, Rạch Tàu Đông và Rạch Tàu, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Các buổi diễn ra tập huấn diễn ra trên tinh thần cởi mở, đối thoại, hỏi đáp, trao đổi, đồng hành – đồng quản lý có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Ngoài ra, lồng ghép vào chương trình là các hoạt động tương tác, trò chơi đố vui với những nội dung về những hoạt động nhằm bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, cũng như các hành vi bị nghiêm cấm đối với rừng đặc dụng. Từ đó, chương trình góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, giúp họ hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Bên cạnh đó, người dân tham gia còn được nhận một ấn phẩm truyền thông là quạt nan vải có các thông tin hữu ích về các việc nên và không nên làm để bảo vệ rừng, cũng như hotline liên lạc khi phát hiện các hành vi vi phạm lâm luật. Cùng với quạt là những sản phẩm sữa và nước uống từ Vinamilk được bà con vô cùng trân trọng. Vì phần lớn người dân các ấp sống ở vùng đệm rừng đều là các hộ nghèo và cận nghèo. Thông qua chương trình bà con còn được chia sẻ những khó khăn trong đời sống và đề xuất các hỗ trợ sinh kế để có thể bớt phụ thuộc vào rừng và chung tay bảo vệ rừng.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp thực hiện. Chương trình không chỉ có ý nghĩa về mặt truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân – đối tượng trực tiếp tác động đến rừng mà còn giúp nâng cao năng lực cho cán bộ vườn, tăng cường kết nối giữa Vườn quốc gia và người dân. Qua đó, góp phần bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Bài viết khác
+ P&G VÀ CENTRAL RETAIL TRỒNG RỪNG TÀ KÓU TIẾP TỤC SỨ MỆNH “FOREST FOR GOOD - VÌ BẠN ƯƠM MẦM MỘT VIỆT NAM XANH”
+ EXO TRAVEL TRỒNG RỪNG XUÂN LIÊN VÌ TƯƠNG LAI BỀN VỮNG
+ Cùng Bảo Thanh “Góp Xanh Cho Lá Phổi An Lành”: Bảo vệ rừng là bảo vệ sức khỏe lá phổi
+ DE HEUS GÓP CÂY GÂY RỪNG PHỦ XANH RỪNG NGHÈO
+ HP VIỆT NAM TRỒNG 1000 CÂY GỖ QUÝ RỪNG XUÂN LIÊN KIẾN TẠO TƯƠNG LAI XANH