TRỒNG RỪNG ĐỒNG NAI - TẦM NHÌN XA TRONG VIỆC NGĂN NGỪA ĐẠI DỊCH

Tin GAIA
Gửi bài viết của bạn


Nhập từ khóa tìm kiếm

TRỒNG RỪNG ĐỒNG NAI - TẦM NHÌN XA TRONG VIỆC NGĂN NGỪA ĐẠI DỊCH

 



 

Đồng Nai, ngày 11 tháng 08 năm 2021Chưa bao giờ Việt Nam có số ca Covid-19 cao như hiện nay. Chỉ 3 tháng kể từ khi dịch bùng phát, hiện đã có hơn 224.000 ca khắp cả nước, trong đó cao nhất là Tp.Hồ Chí Minh với hơn 129.000 ca. Tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp tại Việt Nam với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, con số thương vong không dừng lại. Ở thời điểm này, cả nước đang nỗ lực đấu tranh với Đại dịch, từ đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu cho đến mọi người dân đang nghiêm chỉnh chấp hành quy định chống dịch. Nhiều người đang đang hoang mang trăn trở trước câu hỏi lớn: “Covid-19 thực sự bắt nguồn từ đâu?”“Làm thế nào để thực sự ngăn chặn đại dịch tiếp theo?”

 

Trồng rừng là một trong những giải pháp để ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Giữa những ngày Covid đỉnh điểm ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia vẫn nỗ lực trồng xong 2000 cây gỗ lớn bản địa trên diện tích 4ha, tại Rừng Đồng Nai và chuẩn bị trồng thêm gần 10.000 cây gỗ lớn tại Thanh Hóa. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch ”Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo” do Gaia phát động vào tháng 6.2021, với không chỉ các hoạt động trồng rừng mà còn bao gồm nhiều nội dung truyền thông trên các trang mạng xã hội nhằm giúp công chúng hiểu rõ về đại dịch và vai trò của việc trồng rừng, phục hồi thiên nhiên trong việc ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ 2000 cây từ Premier Oil, Hướng Nghiệp Á Âu và gần 50 cá nhân từ nhóm IT và những người bạn. Chiến dịch cũng đã lan tỏa với hàng trăm ngàn lượt người trên mạng xã hội mỗi tuần.  

 

 Nghiên cứu tiến trình các đại dịch trong lịch sử, Gaia nhận thấy các đại dịch ngày càng gần nhau hơn. Nếu như trước đây, phải vài trăm năm hay vài chục năm mới có một đại dịch, thì chỉ tính từ thập kỷ 60 đến nay, chúng ta đã trải qua 9 đại dịch kinh hoàng gồm: Marburg (1967), Ebola (1976), Nipah (1999), Sars (2002), H5N1 (2003), Mers (2012), H7N9 (2013), H1N1 (2009), Covid-19 (2019). Điều này nghĩa là đại dịch tiếp theo chắc chắn sẽ xảy ra trong một thời gian ngắn sắp tới. Và với tốc độ tàn phá thiên nhiên như hiện nay, các đại dịch sẽ càng gần nhau và càng khốc liệt hơn nữa.

 

Theo WHO, 70% các bệnh truyền nhiễm ở người trong thời gian gần đây là bệnh có nguồn gốc động vật. Hơn 850.000 loài virus gây bệnh mà chúng ta chưa biết, trong tổng số 1,7 triệu loại virus chưa được phát hiện có thể đang tồn tại trong thiên nhiên hoang dã. Việc tàn phá thiên nhiên, làm tăng cơ hội con người tiếp xúc với virus và do vậy càng dễ xảy ra đại dịch. Covid-19 cho dù là thoát ra từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, hay là từ chợ hải sản ở Vũ Hán, thì cũng bắt đầu từ việc chúng ta khai thác thiên nhiên và tiếp xúc với các virus mới, trong đó có chủng Corona gây ra Covid-19.  

 

Chia sẻ tại một buổi nói chuyện trực tuyến về Covid 19 và việc phục hồi thiên nhiên, bà Đỗ Thị Thanh Huyền- Nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Phục hồi thiên nhiên là giải pháp tốt nhất, bền vững nhất để ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Các loài virus sống trong cơ thể các loài động thực vật hoang dã, vốn đang yên ổn trong các khu rừng. Khi chúng ta phá rừng, các loài động vật hoang dã mất nơi sinh sống phải di chuyển vào khu vực dân cư, các loài thực vật bị khai thác phục vụ nhu cầu con người, virus sẽ thoát ra khỏi khu rừng và lây lan dịch bệnh cho con người, thông qua các vật chủ đầu tiên là các loài động vật hoang dã. Việc trồng rừng sẽ làm tăng đa dạng sinh học, tạo môi trường sống an toàn cho các loài động thực vật hoang dã và do vậy tăng khả năng kháng bệnh, ngăn ngừa đại dịch không chỉ với thiên nhiên mà với cả con người”.  

 

Thấy được tầm quan trọng của việc trồng rừng ngăn ngừa đại dịch tiếp theo, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã quyết tâm đẩy mạnh chiến dịch, nỗ lực trồng rừng ngay trong thời kỳ Covid đỉnh điểm này. Những ngày qua, Gaia đã tiến hành nhiều cuộc họp, làm việc trực tuyến với các nhà tài trợ và cả đối tác địa phương để chuẩn bị công tác trồng rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Mặc dù trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Gaia và các đơn vị đối tác vẫn quyết tâm tìm ra giải pháp để tiến hành trồng rừng nhằm đảm bảo mục tiêu kép, đồng thời tuân thủ mọi quy định của Chính phủ trong phòng chống dịch.

 

Đến hôm nay, toàn bộ 2000 cây gỗ lớn bản địa thuộc 7 loài gồm: Chiêu liêu, Giáng hương, Ươi, Dầu, Gõ đỏ, Gõ mật, Bằng lăng đã được trồng thành công với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, người dân địa phương và đặc biệt là sự giám sát của đội ngũ Gaia. 

 

 

 

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Việc trồng rừng ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai không chỉ góp phần ngăn đại dịch tiếp theo, mà còn hướng đến bảo vệ một trong những quần thể Voi cuối cùng tại Việt Nam, cũng như bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, cải thiện chức năng sinh thái của rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điểm rất thuận lợi cho chúng tôi là: đây không phải là lần đầu tiên Gaia trồng rừng tại Đồng Nai, vì vậy, chúng tôi đã thông thuộc mọi địa hình và vì vậy có thể phối hợp làm việc trực tuyến với các cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai và cộng tác viên địa phương để trồng thành công 4ha rừng này”.

 

Khu rừng sẽ tiếp tục được Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai chăm sóc và giám sát trong 4 năm để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất. Báo cáo giám sát khu rừng sẽ được cập nhật hàng năm và gửi đến các đơn vị, cá nhân tài trợ khu rừng. Gaia rất mong nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều đơn vị các nhân, chung sức trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo. 

 

Xem hình ảnh Trồng rừng Đồng Nai tháng 08.2021: Tại đây

 

 LIÊN HỆ

info@gaiavn.org | Hotline: 08.6927.6928

 

 

THÔNG TIN BỔ SUNG

Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia www.gaiavn.org

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Trái Đất. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: (1) Trồng và phục hồi rừng, (2) Trải nghiệm thiên nhiên cho các doanh nghiệp, gia đình, học sinh và giới trẻ, (3) Nâng cao năng lực cho cán bộ các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên, (4). Rác thải nhựa và Sống Xanh. 

 

Hiện trạng rừng Việt Nam

Đến ngày 31/12/2017, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.  

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai và những con voi cuối cùng

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai thuộc Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai là khu rừng đầu nguồn quan trọng, điều tiết và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng chục triệu người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tinh Miền Đông Nam Bộ. Rừng Đồng Nai còn là nơi sinh sống của một trong những quần thể Voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam, với số lượng khoảng 16-21 con, trong tổng số 50-100 con Voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam. Năm 2010, bảy cá thể Voi hoang dã tỉnh Đồng Nai đã bị giết hại. Không kiếm đủ thức ăn trong rừng, Voi phải ra khu vực ruộng Điều, Xoài của người dân kiếm ăn và đã bị đầu độc chết. Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai đã lắp đặt 50km hàng rào điện tử ngăn không cho Voi ra khu vực nương rẫy kiếm ăn. Tuy nhiên người ta vẫn thường xuyên thấy bầy Voi ra kiếm ăn ở khu vực gần hàng rào điện tử và tìm cách vượt ra ngoài. Rõ ràng, khôi phục rừng, trả lại nguồn thức ăn dồi dào cho đàn Voi và các loài hoang dã mới là giải pháp lâu dài và triệt để, không chỉ bảo vệ Voi mà còn bảo vệ nhiều loài hoang dã khác nhau. 

 

Công ty Premier Oil Việt Nam

Công ty Premier Oil Việt Nam, một thành viên của tập đoàn Harbour Energy, đầu tư vào Việt Nam từ năm 2004 và bắt đầu khai thác dầu khí ở vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu từ năm 2011. Hiện công ty có khoảng 87 nhân viên làm việc tại văn phòng Tp.HCM, Vũng Tàu và trên giàn khai thác, và 94% là người Việt với hơn 65% trong số đó là nữ giới, vì chúng tôi  luôn tin tưởng và thúc đẩy tạo điều kiện làm việc bình đẳng giới. Đối với Premier Oil, Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) rất quan trọng. Do đó, chúng tôi đã đầu tư vào việc hỗ trợ và phát triển bền vững của cộng đồng địa phương ở Việt Nam từ năm 2006, và sử dụng 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (UN’s 17 SDGs) để làm hướng dẫn. Trong đó, Giáo dục, Y tế và Bảo vệ môi trường là những mục tiêu mà công ty ưu tiên phát triển và hỗ trợ trong những năm qua. Hằng năm, công ty đã hỗ trợ cho rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến trường thông qua các chương trình xây trường, xây cầu và cấp học bổng. Các em đều được tham gia bảo hiểm y tế và được kiểm tra sức khỏe định kì. Thêm vào đó, nhân viên công ty đã chung tay trồng rừng qua nhiều dự án để giúp môi trường sống của chúng ta xanh và sạch hơn. Thông qua đó, tạo môi trường cho động vật hoang dã, giúp chống xói mòn đất, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, từ đó đóng góp vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và tiến đến sự phát triển bền vững.

 

 Hướng Nghiệp Á Âu  (AAu Vocational Guidance Corporation - HNAAu)

 Thành lập từ năm 2011, với tầm nhìn và sứ mệnh trở thành hệ thống đào tạo nghề đa năng, chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam, Hướng Nghiệp Á Âu đã và đang không ngừng mở rộng và phát triển với tâm thế dẫn đầu, là nguồn cảm hứng của công tác dạy và học nghề dựa trên những chuẩn mực đào tạo cùng các giá trị nhân văn cốt lõi. Hướng Nghiệp Á Âu là đơn vị đào tạo và cung ứng nguồn nhân sự chất lượng cho nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế với đa ngành: Bếp nóng, Bếp bánh, Pha chế, Quản trị Nhà hàng - Khách sạn, Chăm sóc sắc đẹp, Digital Marketing, Quản lý sản xuất truyền thông…

 

Nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 10 năm thành lập, dự án "Gieo Rừng" của Hướng Nghiệp Á Âu được triển khai với mong muốn gieo những hạt giống tốt lành, bền vững trong những ngày đầy biến động. Trong thời kỳ giãn cách, tập thể Cán bộ Nhân viên, Giảng viên, Học viên Hướng Nghiệp Á Âu đã tham gia gây quỹ nội bộ thông qua các hoạt động:  Gieo năng lượng (vận động cá nhân), Gieo tri thức (trao đổi sách),  Gieo hội nhập (chuỗi workshop online dành cho học viên)...

 

Nhóm IT và những người bạn:

Là một nhóm với những cá nhân theo đuổi sứ mệnh sống tử tế, mang trong mình mong muốn trao tặng những giá trị tuyệt vời đến cuộc sống, thiên nhiên và Mẹ Trái Đất. Trong những năm gần đây, nhóm IT và những người bạn đã đồng hành cùng nhau thực hiện rất nhiều những hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng, như:  giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng và sửa chữa công trình vệ sinh, cung cấp nguồn nước sạch cho người dân sống tại các vùng nhiễm mặn…Góp cây cho các khu rừng cũng là một trong những hoạt động tiếp nối sứ mệnh tử tế đó.

 

Chiến dịch Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo

Đây là chiến dịch trồng rừng đầu nguồn nhằm ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Ngoài các hoạt động kêu gọi các đơn vị, cá nhân góp cây trồng rừng, Gaia đã tiến hành trồng rừng và truyền thông điệp đến công chúng thông qua nhiều chuỗi bài viết, nói chuyện trực tuyến. 

 

Góp cây trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo: http://bit.ly/trongrungngandaidich 

 

Chuỗi bài viết Trồng rừng Yên tâm chống dịch trên fanpage Gaia Nature Conservation

Kỳ 1. Covid 19- Hồi chuông cảnh tỉnh: https://bit.ly/3goVIiK
Kỳ 2: Gánh nặng rác thải nhựa do Covid 19: https://bit.ly/356yatQ
Kỳ 3: Tại sao Covid 19 lại là hồi chuông cảnh tỉnh của Mẹ Thiên nhiên?https://bit.ly/35fvOJs
Kỳ 4: Tại sao 5K là vũ khí tốt nhất chúng ta có hiện nay để phòng chống Covid 19? https://bit.ly/3pYyhl4
Kỳ 5: Làm sao để chống dịch giảm được món nợ Mẹ Thiên Nhiên? https://bit.ly/2TGBHwK
Kỳ 6: Trồng cây tặng người thân yên tâm vượt qua dịch bệnh: https://bit.ly/3EluhkN

Chuỗi bài viết  “Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo” 

Kỳ 1. Các đại dịch lớn trong quá khứ (Phần 1: https://bit.ly/3A4JQuE và Phần 2: https://bit.ly/3Ab5Q71)
Kỳ 2. Dự đoán đại dịch tiếp theo trong tương lai:  https://bit.ly/3ooxido
Kỳ 3. Đại dịch vạch trần tác động con người đến thiên nhiên:https://bit.ly/3jhTNhq
Kỳ 4. Tàn phá thiên nhiên làm làm lây lan dịch bệnh như thế nào?:https://bit.ly/3yuLgy7
Kỳ 5. Tại sao trồng rừng giúp ngăn chặn đại dịch tiếp theo? : https://bit.ly/3FiiuUE
Kỳ 6: Cùng Gaia trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo :https://bit.ly/3kC0sVn

 

Chuỗi bài viết  “Thiên tai hay nhân tai”
Kì 1: Điều gì có thể tệ hại hơn COVID 19 https://bit.ly/30pVapc
Kì 2: Lũ quét - Sạt lở: Thiên tai hay nhân tai: https://bit.ly/30zS1mu
Kì 3: Sức tàn phá của thiên nhiên ngày một gia tăng : https://bit.ly/3qEbLjy 

 

Buổi Nói chuyện trực tuyến: Covid 19 và việc phục hồi thiên nhiên

Buổi Nói chuyện trực tuyến: Covid 19 và việc phục hồi thiên nhiên: https://bit.ly/covid19vaphuchoithiennhien
Video phát trực tiếp buổi Toạ đàm Một sức khỏe trong đại dịch tại đây: https://bit.ly/livetoadam1suckhoe
Video phát trực tiếp buổi Toạ đàm Thiên tai chuyện của ai: https://bit.ly/livethientaichuyencuaai
Video phát trực tiếp buổi Toạ đàm Biết ơn Mẹ Thiên nhiên:https://bit.ly/livebietonmethiennhien

Sẽ có thêm các nội dung trao đổi trực tuyến khác trong thời gian tới về chủ đề Một Sức khỏe và Trồng rừng Ngăn đại dịch tiếp theo.

 

 



Bài viết khác

HÀNH ĐỘNG NGAY